Theo GS.Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam, phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực mà Bộ TNMT vừa đề xuất rất hợp lý và khá khả thi.
Nếu xây dựng đập kiên cố sẽ rất lãng phí
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, GS. Đào Xuân Học cho rằng, từ năm 2008, Hà Nội bị ngập lụt nặng, Bộ NNPTNT đã làm quy hoạch tiêu úng rất quy mô. Thời điểm đó chưa có ý tưởng xây dựng đập trên sông Hồng mà chỉ có đề xuất xây dựng trạm bơm Liên Mạc công suất 135m3/s gồm 70m3/s là tưới tiêu kết hợp.
Để khi có lũ sẽ tiêu ra sông Hồng, khi tưới sẽ bơm 70m3 vào cấp nước cho sông Nhuệ, trong đó có 20m3 cấp nước cho sông Tô Lịch qua trạm bơm Thụy Phương (ngày đó kênh này giáp sông Tô Lịch) nhưng từ khi được Chính phủ phê duyệt năm 2009 đến nay Hà Nội không làm.
Đến giờ, sau quá trình đô thị hóa, kênh Thụy Phương không còn. Như chúng ta đã biết khi nước chảy trên kênh, độ dốc thấp không có vấn đề gì nhưng làm đường ống thì cột nước sẽ rất cao. Bởi vì đường ống không thể làm lớn được nên vận tốc nước trên đường ống phải cao, cột nước sẽ rất lớn thành ra phương án này đến giờ không còn khả thi.
"Khi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội về phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, nhằm hồi sinh dòng sông này, tôi đã nhắn tin ngay với anh Phong (ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội): Đường ống bổ cập nước chỉ có 1,2m chỉ đạt được lưu lượng nước tối đa hơn 2m3/s lại chạy trên con sông có mặt cắt đáy tới 15m, có nghĩa là cột nước chỉ cao khoảng 10cm, vận tốc trên kênh tối đa là 0,7m3/s, mực nước tối đa chỉ khoảng 0,1m khó có thể giải quyết được vấn đề gì?
Phản hồi lại, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong phương án có xây dựng các đập trên sông, tôi có trả lời lại: Trong quy hoạch tiêu úng mà Chính phủ duyệt năm 2009 và Bộ NNPTNT, lúc đó tôi là Thứ trưởng đã chỉ đạo làm từ năm 2008, sông Tô Lịch cấp nước vào trạm bơm Yên Sở là chính, phía dưới có bổ sung sông Kim Ngưu và thêm 2 sông nữa.
Theo đó, tổng lưu lượng cấp nước cho trạm bơm Yên Sở là 135m3/s, giai đoạn 1 xây dựng xong đạt 45m3/s, giai đoạn 2 thêm 45m3/s hoàn thiện cách đây 2 năm và còn phải làm tiếp giai đoạn 3 đạt 145m3/s. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có cách để sông Tô Lịch cấp đủ số lưu lượng nước như trên.
Để giải quyết được vấn đề này, tôi cho rằng, chúng ta phải cải tạo, đào sâu thêm sông Tô Lịch và đổ bê tông cẩn thận, kiến cố.
Tôi cũng lưu ý với lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, tránh trường hợp xây dựng đập kiên cố sau cải tạo sông lại phá đi sẽ rất tốn kém, lãng phí, người dân và các nhà khoa học sẽ phản ứng rất gay gắt. Phản hồi lại, anh Phong lại đổi sang phương án làm đập cao su cũng có thể chấp nhận được. Bởi, nếu làm đập cao su cho nước dâng lên khoảng 3m nước chảy trên đập khoảng 10-15cm cũng đảm bảo được các yêu cầu đã đề ra. Tuy nhiên, chúng ta phải giải quyết được nước thải, không cho chảy vào", ông Học nhớ lại.
Nên thiết kế lưu lượng nước cố định để giảm kinh phí
Đối với phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng: Đây là phương án có ý tưởng rất sáng tạo và khá khả thi. "Khi Bộ TNMT đề xuất phương án này tôi cũng rất bất ngờ và thấy hợp lý. Tôi cũng rất thích phương án này", ông Học khẳng định.
Theo ông Học, phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực chất là làm ống ngầm nhưng lại cho chảy hở nên chỉ cần đạt vận tốc 0,7m3/s, đường ống lớn nhưng cột nước bơm không cần cao. Khi nước vào tạo thành kênh hở tạo nên cảnh quan rất đẹp cho thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Học, trong phương án của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lại giữ lưu lượng nước đạt 5m3/s, tối đa đạt 20m3/s bằng mức chúng tôi đề xuất năm 2008 là hơn quá có thể gây lãng phí. Bởi lúc đó, chúng ta phải làm trạm bơm, hệ thống cống rất lớn sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực, kinh phí.
Tôi có đề xuất với đồng nghiệp tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nên để mức lưu lượng cố định khoảng từ 5m3/s và tối đa 10m3/s có thể giúp giảm kinh phí xuống rất nhiều, (có thể giảm được 1/3 so với mức kinh phí đưa ra để thực hiện phương án trên là gần 500 tỷ đồng) mà vẫn đảm bảo được yêu cầu, các tiêu chí đã đề ra nhằm cải tạo, phục hồi được sông Tô Lịch", ông Học chia sẻ thêm.
Sáng 17/11, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt qua điện thoại, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Sở vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, nhằm hồi sinh dòng sông trên của thành phố.
Khi được chúng tôi cung cấp thông tin về phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực gần 500 tỷ đồng của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ông Phong từ chối trả lời.
Trước đó, ngày 15/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) có văn bản tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, theo kiến nghị của UBND TP Hà Nội.
Bộ TNMT đánh giá việc xây dựng đề án là "hết sức cần thiết, cấp bách và thuộc danh mục dự án được nhà nước khuyến khích đầu tư". Tuy nhiên, phương án thành phố đề xuất lượng nước bổ cập (bổ sung nước cho sông Tô Lịch với lưu lượng 3-5 m3/s) bằng lượng nước thải thu gom đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung, do đó chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch.
Theo Bộ TNMT, để giải quyết cơ bản các vấn đề của sông Tô Lịch, đảm bảo cảnh quan ven sông, phù hợp quy hoạch Thủ đô Hà Nội và quy hoạch chuyên ngành cần bổ sung nước cho sông Tô Lịch với lưu lượng khoảng 15-20 m3/s, duy trì vận tốc trung bình trên sông khoảng 0,2-0,3 m/s.
Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển) đang nghiên cứu phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực.
Cụ thể phương án của Viện Khoa học Thủy lợi là lấy nước khu vực thượng lưu bãi đá sông Hồng, quận Tây Hồ, cách cầu Nhật Tân khoảng 1,5 km tại vị trí giữa hai kè mỏ hàn chỉnh trị sông do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng từ năm 1992 đến 1997. Các hạng mục ngoài bãi sông còn có hồ lắng tự nhiên 10 ha, kênh dẫn, trạm bơm khai thác với công suất trạm 18 m3/s.
Nước sông được dẫn qua đê vào hồ Tây, sau đó theo kênh đến cửa cống vào sông Tô Lịch, dài khoảng 4 km. Trên sông Tô Lịch có một đập dâng tại hạ lưu cầu Quang để dâng mực nước, tạo dòng chảy, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông, giao thông thủy. Tổng mức đầu tư sơ bộ phương án trên gần 500 tỷ đồng, kinh phí vận hành hàng năm khoảng 25 tỷ đồng.
Bộ TNMT nhận xét phương án của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có cùng tổng mức đầu tư dự kiến và thời gian thi công như phương án đề xuất của Hà Nội, nhưng lượng nước bổ cập có thể được tối đa là 18 m3/s. Như vậy, sơ bộ với phương án của Viện Khoa học Thủy lợi có thể đáp ứng được mục tiêu phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy của sông Tô Lịch.
Bộ TNMT đề nghị Hà Nội bổ sung đánh giá nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng khu vực cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp.
Bên cạnh đó, thành phố cần xem xét bổ sung nghiên cứu việc ô nhiễm thứ cấp đến sông Tô Lịch (do sông Hồng có hàm lượng phù sa lớn) và rác thải tại ba đập dâng trên sông trong quá trình vận hành; đồng thời xem xét, bổ sung giải pháp sơ lắng nước sông Hồng trước khi bổ cập vào sông Tô Lịch.
Việc dẫn nước từ sông Hồng về sông Tô Lịch bằng đường ống áp lực D1200 mm dọc theo đường Võ Chí Công với chiều dài khoảng 5,5 km cũng cần nghiên cứu, có giải pháp cụ thể để giải quyết các rủi ro như phá hỏng công trình ngầm trong quá trình thi công; vỡ tắc đường ống trong quá trình vận hành.
Sông Tô Lịch dài 13,4 km, điểm đầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt. Điểm cuối có hai hướng thoát, thứ nhất ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt và thứ hai thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở công suất 90 m3/s, bơm cưỡng bức ra sông Hồng.
Những năm qua Hà Nội triển khai nhiều dự án khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng không hiệu quả. Từ đầu tháng 12, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã đi vào hoạt động, các nguồn nước bổ cập cho Tô Lịch được thu gom dẫn đến sông sẽ bị cạn. Thành phố dự báo sông Tô Lịch vào mùa khô tới sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo cảnh quan đô thị nên xây dựng dự án khẩn cấp để bổ cập nước cho sông.
Hiện phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường đã được thành phố báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến bộ ngành liên quan. Nếu phương án được chấp thuận, Hà Nội cam kết hoàn thành trước tháng 9/2025.
Theo danviet.vn