29 Tháng 07

Ngày 29/7, các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Hội nghị về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Hội nghị về công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực Thành ủy, huyện ủy, UBND các huyện, Thành phố.

Đồng chí Lò Minh Hùng và đồng chí Hoàng Quốc Khánh chủ trì hội nghị.

Hoàn lưu cơn bão số 2 đã gây ra lũ quét, sạt lở đất, làm thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Đến ngày 27/7, mưa lũ làm 9 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương; thiệt hại trên 2.300 nhà; lũ cuốn trôi 7 cầu treo; 130 vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông, đến nay, đã thông xe tạm thời 65 vị trí...

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Mưa lũ còn làm gẫy đổ, nghiêng 25 vị trí cột điện trung thế, 101 vị trí cột hạ thế, 2 trạm biến áp bị đổ và ngập nước; 2.765m dây hạ thế, 23 hòm công tơ bị hư hỏng. Đến 18 giờ 30 phút ngày 26/7, còn 1.057 khách hàng vẫn đang mất bị điện.

Đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Mưa lũ còn làm ngập và cuốn trôi khoảng 1.688 ha lúa; ngập trên 238 ha hoa, rau màu; 370 ha cây trồng hàng năm; 162 ha cây trồng lâu năm; 76,6 ha cây ăn quả. Trên 187 con gia súc, 9.587 con gia cầm bị cuốn trôi; thiệt hại 204 ha nuôi cá…. Ước tổng thiệt hại trên 315 tỷ đồng.

Đại diện Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam báo cáo đề xuất giải pháp thoát lũ Thành phố.

Tỉnh đã tập trung lực lượng hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương. Các lực lượng Quân đội, Công an, lực lượng xung kích hỗ trợ người dân vùng ngập úng di dời người và tài sản, đảm bảo an ninh trật tự vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các ngành, đơn vị liên quan tăng cường lực lượng khắc phục kịp thời các sự cố về giao thông, điện, nước, thủy lợi. Các huyện, thành phố đã tổ chức thống kê, xác minh và xây dựng phương án hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2021 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất.

Tại hội nghị, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã báo cáo đề xuất giải pháp thoát lũ thành phố Sơn La. Theo đó, Viện đề xuất 2 giải pháp thoát lũ cho suối Nậm La, gồm: Giải pháp 1, cải tạo thoát lũ qua hang karst hiện có; đây là giải pháp thuận theo tự nhiên của lưu vực suối Nậm La. Giải pháp 2 là xây dựng tuyến thoát lũ chủ động qua đèo Cao Pha; đây là giải pháp triệt để nhất cho mục tiêu của dự án.

Giải pháp xây dựng tuyến thoát lũ (hầm thoát lũ) thành phố Sơn La.

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận nguyên nhân khách quan, chủ quan; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ cả trước mắt và lâu dài để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là khi Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La dự báo  toàn tỉnh tiếp tục có những đợt mưa lũ trong những ngày tới.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lò Minh Hùng giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Bí thư các huyện uỷ, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc đôn đốc rà soát, xác định chính xác các đối tượng được hỗ trợ, bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, tránh phát sinh các tiêu cực, khiếu nại, tố cáo. Khẩn trương hỗ trợ gia đình có người chết, người bị thương; có nhà ở bị sập, hư hỏng, phải di chuyển; khôi phục sản xuất nông nghiệp, thủy sản... giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. 

Đồng chí yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, giáo dục; xây dựng phương án, biện pháp khắc phục, sớm đưa vào hoạt động bình thường. Đôn đốc các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương sửa chữa các công trình bị ảnh hưởng, đảm bảo kịp thời cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường cho người dân; thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ. Tiếp tục bảo đảm an toàn hồ đập, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; ngân sách tỉnh năm 2024 để dừng, giãn, hoãn lại các dự án và các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống nhân dân.

Về lâu dài, các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đại biểu dự hội nghị.

Lực lượng vũ trang chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các địa phương hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các huyện, thành phố.

Theo baosonla.org.vn