12 Tháng 12

Sáng ngày 12/12/2023, tại Hà Nội, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển (Phòng TNTĐ) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển 15 năm xây dựng và phát triển” nhằm điểm lại những kết quả khoa học công nghệ nổi bật trong thời gian qua và thảo luận những định hướng khoa học công nghệ mũi nhọn trong tương lai của Phòng.

Tham dự buổi Hội thảo có đông đủ các khách mời là Lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Viện KHTLVN), đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật; Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương – Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), các nhà khoa học đến từ các trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học Giao thông vận tải, trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, trường Đại học Xây dựng, các lãnh đạo nguyên là lãnh đạo của Phòng TNTĐ qua các thời kỳ cùng các cán bộ của Phòng TNTĐ.

Thay mặt Phòng TNTĐ, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc Phòng đã đọc báo cáo tổng kết chặng đường 15 năm hoạt động của đơn vị. Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển chính thức đi vào hoạt động từ tháng 08/2008 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị nghiên cứu lớn của Viện Khoa học Thủy lợi trước đây gồm: Trung tâm Động lực Sông, Trung tâm Động lực Cửa sông ven biển và Hải đảo, Phòng nghiên cứu Thủy lực công trình. Đây đều là các đơn vị nghiên cứu có trên 50 năm thành lập với đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo cơ bản và đóng góp nhiều kết quả nghiên cứu cho ngành Thủy lợi.

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, vượt lên những khó khăn, thách thức ban đầu, Phòng TNTĐ đã từng bước khẳng định được vị thế, chỗ đứng trong ngành. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Phòng TNTĐ gồm 2 phòng chức năng và 4 Trung tâm nghiên cứu về sông; cửa sông, ven biển và hải đảo; thủy lực; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai với tổng số cán bộ là 73 người, trong đó có 01 GS.TS, 03 PGS.TS, 06 TS, 39 Th.S. Bên cạnh một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và chất lượng cao, Phòng TNTĐ luôn duy trì và phát triển số lượng nhiệm vụ nghiên cứu qua từng năm. Cụ thể, Phòng TNTĐ đã và đang chủ trì thực hiện 26 đề tài/dự án cấp Quốc gia, 21 đề tài/dự án cấp Bộ, 6 đề tài/dự án cấp tỉnh, 46 đề tài kênh Phòng TNTĐ; hàng trăm hợp đồng về tư vấn công trình thủy lợi, thí nghiệm mô hình thủy lực, chỉnh trị sông, công trình biển, quy hoạch công trình thủy lợi…Các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Phòng TNTĐ đã có nhiều đóng góp quan trọng về mặt khoa học cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

Về Động lực và kỹ thuật sông: Áp dụng và cập nhật hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn với mô hình chỉnh trị sông hiện đại phục vụ tổng hợp các yêu cầu kỹ thuật,  kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái trong điều kiện Việt Nam; Đề xuất, tư vấn các giải pháp chỉnh trị sông trọng điểm tại các khu vực phân nhập lưu, đảm bảo tỷ lệ phân lưu hợp, ổn định các khu vực ngã ba sông (sông Hồng - sông Đuống, sông Hậu…) ổn định khu vực dòng chảy qua các cầu lớn bắc qua sông…; Nghiên cứu và hoàn thiện cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp kỹ thuật, quản lý bãi sông đảm bảo khả năng thoát lũ, ổn định lòng dẫn, an toàn đê điều và dân sinh vùng bãi ven sông cho hệ thống sông Hồng, Thái Bình và một số tuyến sông có đê khác như hệ thống sông Mã, sông Chu ở Bắc Trung Bộ; Vận dụng các mô hình thủy lực hình thái (1,2,3 D), các mô hình vật lý lòng cứng và lòng động với tỷ lệ lớn, các công cụ tính toán hiện đại trong công tác nghiên cứu, quy hoạch, chỉnh trị sông…

Về Động lực và kỹ thuật cửa sông, ven biển, hải đảo: Nghiên cứu ứng dụng và cải tiến giải pháp công nghệ, kết cấu giữ cát, giảm sóng từ xa, đặc biệt kết cấu giảm sóng tại chân công trình được áp dụng thành công trong thực tế tại hệ thống công trình bảo vệ bờ biển Đồ Sơn, bờ biển Cửa Tùng; Đưa ra các luận cứ kỹ thuật quan trọng đối với quá trình biến động vùng cửa sông, bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ trong điều kiện khai thác thượng nguồn các sông, đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật và quản lý để ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Nghiên cứu mạng nơ-ron nhân tạo dự đoán tham số sóng gần bờ khu vực Cửa Đại, tỉnh Quảng Ngãi…

Về Thủy lực công trìnhNghiên cứu thực nghiệm, đề xuất điều chỉnh quy mô, kích thước và thông số thiết kế, kết cấu cho nhiều công trình đầu mối thủy lợi, cống, hồ chứa, thủy điện lớn... như hồ Bản Lải, hồ Sông Than, Thủy điện Long Tạo, Thủy điện Sông Mã, Thủy điện Nậm Củm; Nghiên cứu tiêu năng cho nhiều công trình thủy lợi – thủy điện...

Về Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai: Đề xuất và chủ trì thực hiện xây dựng các loại bản đồ ngập lụt phục vụ lập kế hoạch ứng phó và di dời dân ở quy mô lưu vực, khu vực hành chính; Xây dựng EPP, bản đồ ngập lụt sau hồ chứa của các lưu vực sông lớn, liên tỉnh trên các lưu vực sông Mã, sông Vu Gia – Thu Bồn; Nghiên cứu thử nghiệm hệ thống cảnh báo lũ, lũ quét trên nền Web-GIS cho lưu vực sông Nghĩa Lô, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (nơ ron thần kinh nhân tạo) trong dự báo lũ quét…

Bên cạnh các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, Phòng TNTĐ còn thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến an ninh, quốc phòng như đảm nhiệm vai trò thường trực về kỹ thuật do Bộ NN&PTNT giao trong các liên quan đến sông suối biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Tham gia đề xuất công việc và xây dựng các phương án kỹ thuật để báo cáo Bộ NN&PTNT, Ủy ban Biên giới Quốc gia – Bộ Ngoại giao, Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc về các vấn đề nảy sinh liên quan đến sông suối biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Các vấn đề khai thác, phát triển tài nguyên biển trong lĩnh vực giao thông cho các cảng biển lớn…

15 năm hoạt động và phát triển, nhiều sản phẩm nghiên cứu của Phòng đã được cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích như: kết cấu mũi hất tạo dòng chảy hỗn hợp mặt đáy ổn định dạng ba xoáy ở hạ lưu công trình tháo; cửa van bản lật tự động trục đáy; phương pháp điều tiết dòng chảy giữa sông Vu Gia và Thu Bồn qua sông Quảng Huế; phương pháp hạn chế tỷ lệ phân chia lưu lượng nước từ sông Hồng sang sông Đuống; phương pháp ngăn cát, giảm sóng và hạn chế lan truyền độ đục từ các cửa sông chính trong khu vực, nhằm làm giảm độ đục cho các bãi tắm biển Đồ Sơn, Hải Phòng; phương pháp bảo vệ bờ sông Hồng tại hạ lưu bãi Tàm Xá, Hà Nội bằng cụm kè mỏ hàn cọc có phần hộ chân; phương pháp chỉnh trị vùng hợp lưu sông Mã - sông Chu (ngã ba Giàng)… Bên cạnh đó, 167 bài báo khoa học trong nước và quốc tế đã được Phòng đăng tải, đặc biệt Phòng TNTĐ còn tham gia biên soạn và đề xuất thực hiện một số tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khác…

Tiếp theo đó, các đại biểu tham dự tại Hội thảo đã được nghe các cán bộ của Phòng TNTĐ trình bày một số báo cáo kết quả nghiên cứu tiêu biểu như: Mô hình vật lý trong xây dựng công trình – nghiên cứu giải pháp tăng khả năng tháo bằng tràn kiểm phím piano; Nghiên cứu, đánh giá diễn biến vùng ven biển cửa sông Đáy và đề xuất giải pháp chỉnh trị; Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La; Hệ thống cảnh báo lũ quét tại Trạm Tấu – Yên Bái. Các kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo đều được các đại biểu, khách mời đánh giá, nhận xét có tính thiết thực, ứng dụng cao, đáp ứng các nhu cầu rất cấp thiết của đất nước.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong các năm qua, Phòng TNTĐ định hướng sẽ tập trung vào nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công cụ tính toán, dự báo cảnh báo lũ lụt, hạn hán xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; nghiên cứu dự báo diễn biến xói lở, bồi tụ bờ sông, cửa sông, bờ biển và hải đảo, đề xuất các giải pháp, công nghệ bảo vệ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ đảm bảo an toàn công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, phòng chống úng ngập cho các thành phố đô thị và các khu dân cư; nghiên cứu dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phòng ngừa; nghiên cứu các giải pháp KHCN phục vụ thích ứng biến đổi của chế độ thủy văn, thủy lực, hạ thấp mực nước, tỷ phân lưu…trên không gian các hệ thống sông, chú trọng đặc biệt hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; các định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, giá sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực động lực học sông biển, đê điều, phòng chống thiên tai.

Tại Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng – Phó Giám đốc Viện KHTLVN ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu và các kết quả nghiên cứu khoa học của Phòng trong quá trình 15 năm xây dựng và phát triển. Đề nghị Phòng TNTĐ tiếp tục phát huy những thế mạnh sẵn có và tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển, có nhiều đóng góp có giá trị về mặt khoa học cho ngành thủy lợi cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS Lê Văn Nghị - Giám đốc Phòng đã thay mặt tập thể viên chức, người lao động Phòng TNTĐ gửi lời cảm ơn tới các vị đại biểu với tình cảm đặc biệt dành cho Phòng TNTĐ cũng như các ý kiến đóng góp để Phòng TNTĐ nâng cao trình độ nghiên cứu, tập trung vào các hướng nghiên cứu mũi nhọn và tăng cường hợp tác quốc tế cũng như hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong nước.