QUẢNG BÌNH Phải chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm nên Quảng Bình đã đưa ra giải pháp phòng chống gắn với phát triển kinh tế địa phương.
Những năm gần đây, Quảng Bình luôn gánh chịu nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất, tài sản do thiên tai như bão lũ gây ra. Chính vì vậy, địa phương này đã đưa ra giải pháp có tính bền vững lâu dài. Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự (Ban PCTT) tỉnh Quảng Bình: “UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động hệ thống chính trị trong phòng chống thiên tai gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.
Không lơ là chủ quan
Nhìn nhận lại năm 2023, dù không có bão lụt lớn nhưng các địa phương trên địa bàn tỉnh quảng Bình cũng hứng chịu thời tiết cực đoan như mưa giông, lốc xoáy làm hư hỏng, gãy đổ, gây ngập úng, sạt lở…, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Trước mùa mưa bão, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức rà soát, kiện toàn Ban PCTT để bảo đảm công tác chỉ huy, điều hành thông suốt, hiệu quả. Tại 151/151 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích PCTT với gần 12.400 người tham gia. Công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần để phòng, tránh, ứng phó các tình huống thiên tai, công tác “4 tại chỗ” được đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước chuẩn bị sẵn sàng.
Nhằm chuyên nghiệp hóa công tác phòng, chống thiên tai, Quảng Bình đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự tỉnh. Các đơn vị cũng đã tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống giả định, cấp bách đang xảy ra.
Mặt khác, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai từ Trung ương đến địa phương tương đối chính xác, tần suất liên tục nên đã cung cấp thông tin kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay, tỉnh đã bố trí 70 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ để xử lý, khắc phục khẩn cấp các công trình. Các tổ chức, đoàn thể đã vận động quyên góp, hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Quảng Bình tích cực đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các mô hình nhà chống lũ, bão cho những gia đình khó khăn tại các địa phương. Chương trình này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân, nâng cao khả năng PCTT, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 25 nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp làm nơi tránh trú bão lụt. Tại các vùng rốn lũ như Tân Hóa, Minh Hóa (huyện miền núi Minh Hóa), đã hoàn thành trên 660 nhà phao chống lũ và khoảng 200 nhà chòi tránh lũ, bão. "Ngoài ra, với nguồn ngân sách địa phương kết hợp cùng các nguồn dự án, hỗ trợ nhân đạo… các địa phương đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng gần 900 nhà kiên cố chống lũ, bão tại 60 xã, phường cho đối tượng hộ nghèo, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn để giúp bà con an toàn hơn trong mùa mưa bão”, ông Nam nói thêm.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh) ở vùng trũng thấp nên lũ lụt năm nào cũng phải di dời đến nơi khác cho an toàn. Có năm, không dọn kịp nên lúa gạo, chăn màn bị lũ cuốn trôi. Gia đình đã khó thì sau trận lũ tràn qua càng khó khăn hơn.
Từ ngày được hỗ trợ làm căn nhà có gác cao, chắc chắn bà Hiền mừng lắm. Trước mùa mưa bão, bà nhờ hàng xóm đưa lúa gạo, các vật dụng sinh hoạt cần thiết lên gác cất. “Từ nay có mưa bão thì cùng ngồi rất an lòng. Hai bà cháu dọn lên gác sinh hoạt và thứ chi cũng đã có, không hề thiếu nên chẳng còn lo sợ như trước đây nữa. Chính quyền cũng không phải đến hỗ trợ chuyển đến nơi khác. Tôi thấy an lòng và mừng lắm. Mong sao cho nhà nào như hoàn cảnh của tôi cũng được căn nhà chống bão lũ chắc chắn như thế này”, bà Hiền bộc bạch nói.
Phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh: “Việc gắn công tác phòng, chống thiên tai với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được ưu tiên trước hết. Hai mục tiêu này phải bền chặt, qua đó phát huy được hiệu quả đầu tư cũng như chủ động phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.
Hiện, tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan gấp rút thi công một số công trình kè biển, nâng cấp hồ đập thủy lợi để chủ động trong nhiệm vụ PCTT và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội.
Tại xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), tuyến bờ biển luôn bị sạt lở khi mùa mưa bão đến làm người dân bất an và tàu thuyền của ngư dân không có chỗ để neo đậu, đảm bảo an toàn. Tuyến kè biển đã được đầu tư xây dựng vững chắc ngăn được sạt lở, tạo nên nhiều vị trí tốt cho việc neo đậu của tàu thuyền.
Ông Đồng Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “Sau khi tuyến kè biển hoàn thành, chính quyền địa phương đã quy hoạch khu neo đậu, khu chợ cá, tuyến đường giao thông cho khu sửa chữa tàu thuyền. Nhờ vậy mà Cảnh Dương đã tăng tốc phát triển kinh tế qua tăng sản lượng đánh bắt, phát triển hậu cần nghề cá, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người dân”.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện muộn và ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Trong đó có 1-2 cơn bão ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Quảng Bình. Từ tháng 5-8, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn, nắng nóng có xu hướng gia tăng với số ngày nóng có khả năng xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn.
Trước tình hình trên, Quảng Bình cũng đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy các cấp, các ngành; bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó, phòng, chống các tình huống thiên tai. Thực hiện xây dựng phương án chỉ huy, kế hoạch hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn liên vùng, liên xã để hỗ trợ, ứng cứu khi thiên tai xảy ra cũng như phục hồi sản xuất, đời sống sau thiên tai.
Ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho hay: “Thành phố đã rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở ở vùng biển xã Bảo Ninh, biển Nhật Lệ… để chủ động xử lý, di dời bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân”.
Huyện Lệ Thủy cũng đã đẩy mạnh truyền thông, nhất là truyền thông cơ sở về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai; bảo đảm thông tin, liên lạc, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, hệ thống điện, nước trước, trong và sau thiên tai, sự cố.
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết: “Lệ Thủy là địa phương hay bị lũ lụt chia cắt, vì vậy chúng tôi chú trọng bảo đảm công tác hậu cần, cứu trợ khẩn cấp trước, trong thiên tai. Các địa phương trong huyện đã chủ động triển khai sớm, kịp thời lực lượng, phương tiện, vật tư theo các phương án, kịch bản khi có tình huống xảy ra”.
Theo nongnghiep.vn