08 Tháng 11

Hiện tỉnh Khánh Hòa đang bước vào mùa mưa bão. Do đó, đơn vị quản lý hồ chứa đã chuẩn bị các kịch bản giảm nhẹ thiên tai cho vùng hạ du.

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã hoàn thành công việc kiểm tra an toàn hồ đập. Ảnh: KS.

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã hoàn thành công việc kiểm tra an toàn hồ đập. Ảnh: KS

Đảm bảo an toàn hồ đập

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) hiện được giao quản lý, khai thác 19 hồ chứa nước. Trong 14 hồ chứa lớn, có 9 hồ điều tiết nước qua tràn có cửa van, 2 hồ điều tiết nước qua tràn tự do kết hợp cửa xả sâu, 3 hồ điều tiết nước qua tràn tự do. Đối với 5 hồ chứa vừa và nhỏ còn lại, chủ yếu điều tiết nước qua tràn tự do.

Để đảm bảo an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão năm 2024, vào tháng 5 vừa qua, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa tổ chức kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời tiến hành xây dựng phương án bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa theo quy định.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn công trình để thực hiện phương án sửa chữa, nâng cấp công trình hư hỏng, xuống cấp.

Điển hình như tại đập Gò Mè, xã Bình Lộc do xây dựng từ năm 1980 nên đã xuống cấp, rò rỉ nước, không đảm bảo giữ nguồn nước hồi quy của 2 hệ thống hồ chứa gồm Láng Nhớt và Cây Sung để phục vụ tưới tiêu cho 40 ha lúa. Với sự nỗ lực của đơn vị thi công làm ngày đêm để vượt mưa lũ, đến nay, bờ tả của đập đã hoàn thành 80% khối lượng. Còn bờ hữu của đập đang tiếp tục thi công, phấn đấu hoàn thành 80% trước 23/10 âm lịch. Khi đó, đập có thể đóng nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân.

Đơn vị thi công nỗ lực sửa chữa đập Gò Mè. Ảnh: KS.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đơn vị thi công nỗ lực sửa chữa đập Gò Mè. Ảnh: KS.

Ông Đinh Tấn Thành, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, hiện công ty đã hoàn thành việc kiểm tra toàn bộ các thiết bị cơ khí và thực hiện tra, bôi dầu mỡ, sửa chữa kịp thời các thiết bị hư hỏng tại các công trình thủy lợi. Cũng như đã tổ chức vận hành thử các cống lấy nước, các cửa van tràn xả lũ bằng hệ thống lưới điện và hệ thống máy phát điện dự phòng của các hồ chứa nước nhằm bảo đảm cho việc vận hành, điều tiết lũ hoạt động trơn tru.

Cùng với đó, tại các công trình đầu mối đập, hồ chứa, công ty đã phân công, bố trí đầy đủ các lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng thiết yếu nhằm đảm bảo ứng phó ngay khi công trình có nguy cơ xảy ra sự cố. Khi có diễn biến mưa lũ phức tạp xảy ra trên lưu vực hoặc ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, công ty sẽ tăng cường thêm lực lượng tại công trình đầu mối của các hồ chứa.

“Vào mùa mưa lũ, chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến thời tiết thông qua bản tin dự báo để chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó thiên tai bảo đảm an toàn cho công trình”, ông Thành chia sẻ và cho biết thêm, hiện công ty đã ký kết quy chế phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ trong việc cung cấp thông tin dự báo kịp thời.

Hạn chế ngập lụt hạ du

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 29 đập, hồ chứa nước thủy lợi. Ngoài ra, còn 3 công trình hồ chứa nước đang trong giai đoạn thi công xây dựng gồm Sông Chò 1 (Khánh Vĩnh); Ka Tơ và Sơn Trung (Khánh Sơn).

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa sẽ điều tiết nước đảm bảo an toàn hạ du. Ảnh: KS.

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa sẽ điều tiết nước đảm bảo an toàn hạ du. Ảnh: KS.

Để triển khai công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa năm 2024, Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành công văn số 5116 ngày 15/5/2024 chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Trong tháng 7/2024, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương, đơn vị kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo Nghị định số 114 ngày 4/9/2018 của Chính phủ.

“Đến nay, các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã thực hiện theo đúng các chỉ đạo của Sở NN-PTNT, đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra”, ông Quang đánh giá.

Ngoài ra, trong các đợt mưa, lũ vừa qua, Sở NN-PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, khi thời tiết xảy ra mưa lớn, hồ chứa thực hiện điều tiết lũ, công ty sẽ thông báo cho các địa phương ở vùng hạ du kịp thời. Từ đó cảnh báo đến mọi người dân để có phương án di dời các khu vực dọc sông, suối, nơi bị ngập đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản.

Theo nongnghiep.vn