Sáng ngày 24/04/2024, tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển (Phòng TNTĐ) đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp ổn định cửa sông ven biển miền Trung phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai, áp dụng thí điểm cho cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế” nhằm báo cáo một số kết quả nghiên cứu mới về các vấn đề ổn định cửa sông ven biển miền Trung.
Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp ổn định cửa sông ven biển miền Trung phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai, áp dụng thí điểm cho cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế” do PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng làm chủ nhiệm đề tài.
Đến dự Hội thảo, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Ông Khổng Trung Duân – Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; Ông Tạ Ngọc Tân – Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Ông Đặng Văn Hòa – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi.
Về phía Phòng TNTĐ có GS.TS Lê Văn Nghị - Giám đốc Phòng; PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Phó Giám đốc Phòng – Chủ nhiệm Đề tài; lãnh đạo các phòng chức năng; đại diện một số trung tâm chuyên môn trực thuộc Phòng TNTĐ; các chuyên gia nguyên là lãnh đạo của Phòng TNTĐ cùng các thành viên tham gia thực hiện Đề tài.
Ngoài ra còn có đại diện Ban Kế hoạch Tổng hợp – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Viện Năng lượng, Hội Thủy lợi, Công ty cổ phần tư vấn và kỹ thuật hạ tầng giao thông.
Báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Chủ nhiệm Đề tài cho biết: cửa sông ven biển miền Trung (gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) là một trong những địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế biển của Việt Nam với lượng tàu thuyền ra khơi lớn nhất cả nước, có nhiều bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền và hầu hết đều nằm trong các cửa sông hoặc đầm phá ven biển. Từ thực tế trên đòi hỏi các cửa sông cần phải đáp ứng yêu cầu quan trọng về vấn đề thoát lũ; tuyến luồng tàu ra vào cửa sông phải duy trì độ sâu đảm bảo điều kiện chạy tàu.
Tuy nhiên hiện nay các cửa sông miền Trung đa phần là loại cửa sông phẳng có mũi tên cát hoặc hình thành trên dải cát ngăn cách với biển bên trong là đầm phá “Barrier Island”, các cửa sông này đa phần nhỏ, hẹp, mất ổn định (thay đổi dịch chuyển vị trí) và thường xuyên bị bồi lấp (kể cả khi mùa lũ cửa sông được mở rộng hơn nhưng không đáng kể). Cửa Sót (Hà Tĩnh), cửa Tùng (Quảng Trị), cửa Thuận An, cửa Tư Hiền (Thừa Thiên Huế), cửa Tam Quan (Bình Định), cửa Cà Ty (Bình Thuận)…là những ví dụ điển hình cho hiện tượng bồi tụ cửa sông miền Trung đang diễn biến mạnh mẽ và phức tạp. Các cửa sông có thể bị bồi lấp theo chu kỳ ngắn vài tháng trong một năm hoặc chu kỳ dài hơn đến vài năm, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thoát lũ và làm cản trở giao thông thủy…
Chính vì vậy, để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai liên quan tới xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông, việc nghiên cứu nhằm tìm hiểu, phân tích các nguyên nhân thủy động lực để từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả ổn định cửa sông của các công trình ngăn cát giảm sóng (NCGS) là điều rất cần thiết và quan trọng.
Đề tài “Nghiên cứu giải pháp ổn định cửa sông ven biển miền Trung phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai, áp dụng thí điểm cho cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế” được triển khai thực hiện với mong muốn đem lại những ý nghĩa thực tiễn, góp phần vào công cuộc phòng, chống thiên tai; ổn định dân sinh, phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương nói chung và vùng nghiên cứu nói riêng.
Sau khi nghe báo cáo tổng quan về Đề tài của PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Hội thảo lần lượt được nghe các báo cáo về Đánh giá thực trạng các công trình ổn định, chống xói lở, bồi tụ các cửa sông miền Trung; Đề xuất giải pháp công trình ổn định cửa sông ven biển miền Trung; Đề xuất giải pháp công trình ổn định cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đánh giá thực trạng các công trình ổn định, chống xói lở, bồi tụ các cửa sông miền Trung, TS Nguyễn Ngọc Nam phân tích theo 3 hướng gồm: theo đối tượng bảo vệ, theo thời kỳ xây dựng và theo loại công trình. Tuy nhiên các công trình ổn định cửa sông sau khi xây dựng vẫn xuất hiện những tồn tại như bố trí không gian tổng thể khu vực chỉnh trị cửa sông ra vào còn chưa hợp lý, chiều dài công trình chưa đảm bảo NCGS hiệu quả; kết cấu một số công trình chưa hoàn toàn phù hợp dẫn đến không thể ngăn chặn dòng bùn cát, khe hở lớn do sụt, lún, nứt; hiện tượng cát bay, cát chảy xảy ra ở vùng ven biển miền Trung do hướng lãnh thổ gần như vuông góc với hướng gió biển khiến cát đụn, cát bị gió cuốn đưa vào bên trong cửa sông.
Từ thực trạng trên, nhóm thực hiện Đề tài đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm thủy động lực và biến động các cửa sông ven biển miền Trung trên cơ sở các tài liệu, số liệu thu thập và đo đạc khảo sát bổ sung một số cửa sông điển hình. Các cửa sông ven biển miền Trung trải dài theo phương kinh tuyến có điều kiện địa hình ven bờ, hình thái cửa sông rất đa dạng; chế độ thủy – hải văn khác nhau nên các giải pháp công trình ổn định cửa sông đối với mỗi khu vực là khác nhau. Chưa kể phạm vi nghiên cứu của đề tài rất rộng (23 cửa sông đã có công trình, 29 cửa sông chưa có công trình), số liệu còn phần nào hạn chế nên nhóm nghiên cứu chỉ đánh giá và đề xuất giải pháp công trình chi tiết cho 4 cửa sông điển hình được nhóm lựa chọn bao gồm cửa Sót (Hà Tĩnh), cửa Tùng (Quảng Trị), cửa Thuận An (Thừa Thiên Huế), cửa Đề Gi (Bình Định). Các cửa sông còn lại, nhóm đề xuất theo định hướng sơ bộ, phù hợp với đặc điểm theo nhóm/loại cửa sông và yêu cầu/tiêu chí của từng cửa sông. Bên cạnh các giải pháp công trình, đề nghị cần thực hiện kết các hợp các giải pháp phi công trình để ổn định được các cửa sông ven biển miền Trung.
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng giải pháp ổn định cửa sông ven biển miền Trung, nhóm thực hiện Đề tài đã tiến hành lựa chọn địa điểm cửa Thuận An (Thừa Thiên Huế) làm nghiên cứu chi tiết. Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 20km, cửa Thuận An có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Không chỉ vậy, cửa Thuận An còn có tuyến giao thông thủy và là tuyến thoát lũ chính của sông Hương. Tuy nhiên hiện nay hiện tượng bồi tụ cửa sông và xói lở bờ biển là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến phát triển giao thông thủy, phát triển du lịch, cảnh quan môi trường… của địa phương.
Sau khi tìm hiểu hiện trạng, nhóm thực hiện Đề tài đã phân tích lượng xói lở - bồi tụ dựa trên dữ liệu MC ngang địa hình đo 2 mùa 2023 và dữ liệu ảnh VT qua các năm, thông qua đó đánh giá thủy động lực và xu thế bồi/xói trên MHT để xác định nguyên nhân, cơ chế diễn biến của cửa Thuận An. Trên cơ sở đó, phân tích đề xuất giải pháp công trình ổn định cửa Thuận An, cụ thể hoàn thiện phương án QHTT theo giai đoạn và bổ sung một số giải pháp ngăn bùn cát từ xa; phân chia lượng bùn cát di chuyển dọc bờ từ Nam lên Bắc bằng hệ thống đê ngầm giảm sóng xa bờ kết hợp với kè mỏ hàn vuông góc với bờ biển dạng chữ T theo PA5. Giải pháp công trình ổn định cửa Thuận An đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và đánh giá trên mô hình toán có hiệu quả NCGS, ổn định luồng tàu, giảm thiểu được lượng bồi tụ cửa sông, xói lở bờ biển. Giải pháp được đề xuất có tính khả thi, được thiết kế sơ bộ nên các cơ quan quản lý có thể tham khảo ứng dụng trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao nội dung báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện Đề tài. Trong bầu không khí cởi mở, gần gũi, các ý kiến trao đổi, thảo luận và góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học sẽ giúp cho chủ nhiệm Đề tài và các thành viên thực hiện dần hoàn thiện các kết quả nghiên cứu. Đồng thời có thể mở ra thêm nhiều hướng nghiên cứu khác, tạo ra cơ hội hợp tác lâu dài trong tương lai.
Tổng kết Hội thảo, GS.TS Lê Văn Nghị - Giám đốc Phòng TNTĐ trân trọng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý đã dành thời gian đến tham dự buổi Hội thảo “Giải pháp ổn định cửa sông ven biển miền Trung phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai, áp dụng thí điểm cho cửa Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Thay mặt cho Phòng TNTĐ và nhóm nghiên cứu, GS.TS Lê Văn Nghị ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đánh giá, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học về các nội dung báo cáo tại Hội thảo, qua đó sẽ giúp nhóm nghiên cứu gợi mở, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến ổn định cửa sông ven biển miền Trung, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai.