Mỗi năm nước sông Lam cuốn trôi nhiều ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên, giải pháp ngăn chặn tình trạng này chưa có tính khả thi.
Sông Lam là con sông lớn nhất nối liền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, không chỉ đóng vai trò tiêu thoát lũ, cấp nước phục vụ sản xuất mà còn điều hòa môi trường sống cho người dân 2 địa phương.
Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu cộng với vấn nạn hút cát quá mức làm thay đổi dòng chảy, gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Sông lấn làng theo từng năm, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất lúa, hoa màu của người dân, đặc biệt là đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân.
Ông Hùng, trú thôn 1 chỉ tay về phía cánh đồng lúa nằm dọc bên mép sông cho biết, trước đây, phía ngoài diện tích đất trồng lúa là đất sản xuất cây trồng cạn như ngô, đậu. Tuy nhiên, mấy năm qua toàn bộ đất trồng hoa màu đã bị nước sông Lam “nuốt chửng” và mép sông hiện ăn vào tới sát bờ ruộng.
“Mất đất màu đã đành. Chúng tôi đang lo vài ba năm nữa diện tích đất lúa này cũng sẽ bị xóa sổ”, ông Hùng lo ngại. Đồng thời cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng là do tàu hút cát quá mức làm dòng chảy thay đổi.
Theo ông Nguyễn Minh Việt, một hộ dân khác, trung bình mỗi năm sông Lam lấn sâu vào bờ từ 5-7 m và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
“Toàn bộ đất trồng rau màu của người dân nằm ngoài mép sông đã bị lở 20 m. Người dân chỉ có nguyện vọng được chính quyền các cấp quan tâm sớm cho làm bờ kè chạy dọc bờ sông để chống sạt lở”, ông Việt nói.
Lãnh đạo xã Xuân Lam cho biết, đoạn bờ sông bị sạt lở kéo dài khoảng 1,5km, cách Quốc lộ 1A khoảng 500m, chủ yếu “nuốt” đất sản xuất nông nghiệp của người dân ở thôn 1, 2, 3. Đặc biệt, những năm có lũ lụt lớn tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn.
“Hiện Xuân Lam còn khoảng 5 ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con nằm ngoài bãi bồi sông Lam đang bị đe dọa. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên để xin kinh phí làm bờ kè kiên cố nhưng theo dự toán của các sở, ngành thì chi phí đầu tư lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng. Do kinh phí quá lớn trong khi nguồn ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên chưa thể làm được. Tình trạng sạt lở bờ sông Lam cũng đã được UBND tỉnh báo cáo với Trung ương để xin bố trí nguồn vốn thực hiện dự án”, ông Đặng Văn Hoài, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam thông tin.
Ngoài sạt lở ở địa phận xã Xuân Lam, ở phía đối diện là khu vực huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nước sông Lam cũng đang tiến sâu vào khu vực dân cư, mỗi năm cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân địa phương.
Về lâu dài, để ngăn chặn tình trạng này, ngoài đề xuất Chính phủ có phương án bố trí kinh phí, xây dựng dự án kè chống sạt lở, ngành chức năng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng cần có những giải pháp quản lý, giám sát, xử lý mạnh tay đối với đội tàu hút cát cỡ lớn vi phạm vùng khai thác.
Một lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho biết, trước đây huyện cũng đã nhiều lần đề xuất với cấp trên xin làm dự án tuyến đê vừa chống sạt lở bờ sông vừa hình thành con đường sinh thái ven sông Lam. Tuy nhiên, do quy mô và kinh phí lớn, vượt ngoài khả năng của tỉnh nên chưa thể thực hiện được.
Theo nongnghiep.vn