Những ảnh hưởng do con người gây ra cùng với tác động của biến đổi khí hậu, sông suối miền Trung, đặc biệt là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có nhiều diễn biến phức tạp. Hơn mười năm nay, những biến động trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn đã ảnh hưởng rất lớn tới dân sinh kinh tế xã hội Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Sông Quảng Huế nối giữa hai sông chính là Vu Gia và Thu Bồn, có chiều dòng chảy chính từ phía Vu Gia sang Thu Bồn, cùng với sự chênh lệch địa hình ở Ái Nghĩa và Giao Thủy càng làm gia tăng khả năng chuyển nước từ Vu Gia sang Thu Bồn. Trong các nghiên cứu gần đây đã khẳng định, sự mất ổn định lòng dẫn và dòng chảy tại khu vực này không tuân theo quy luật tần suất mà phụ thuộc rất nhiều vào các tổ hợp lũ, kiệt trên hai sông này.
Trước tình hình đó, yêu cầu một nghiên cứu đánh giá xác định được chế độ động lực, tổ hợp bất lợi gây mất ổn định và đề xuất giải pháp ổn định lòng dẫn khu vực Quảng Huế sông Vu Gia - Thu Bồn trong giai đoạn hiện nay trở nên cấp thiết. Vào năm 2015, PGS. TS. Lê Văn Nghị cùng các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế độ thủy động lực và đề xuất giải pháp ổn định lòng dẫn khu vực Quảng Huế Sông Vu Gia - Thu Bồn” với các mục tiêu chính được đề ra là:
- Xác định được chế độ động lực, tổ hợp bất lợi gây mất ổn định lòng dẫn và công trình bảo vệ bờ trên sông Quảng Huế cũ thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
- Đề xuất được các giải pháp điều tiết dòng chảy và ổn định lòng dẫn (tổng thể và cục bộ) trên sông Quảng Huế cũ thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Bên cạnh đó, các nội dung chính của đề tài cũng được đề cập rất chi tiết và đầy đủ, bao gồm:
1) Nghiên cứu, thu thập bổ sung tài liệu, đánh giá hiện trạng, tổng quan, xác định nguyên nhân diễn biến dòng chảy và lòng dẫn khu vực Quảng Huế.
2) Cập nhật, xây dựng, tính toán mô hình toán thủy lực phục vụ đánh giá ổn định dòng chảy và lòng dẫn, công trình bảo vệ bờ trên sông Quảng Huế.
3) Nghiên cứu xác định chế độ động lực, tổ hợp bất lợi gây mất ổn định lòng dẫn và công trình bảo vệ bờ khu vực Quảng Huế.
4) Nghiên cứu đề xuất các giải pháp điều tiết dòng chảy, ổn định lòng dẫn sông Quảng Huế cũ trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
5) Nghiên cứu lựa chọn hình thức công trình, giải pháp nối tiếp tiêu năng phù hợp nhằm ổn định cục bộ lòng dẫn, công trình điều tiết trên sông Quảng Huế cũ trên mô hình vật lý.
6) Nghiên cứu đánh giá hiệu quả trong mùa lũ của các giải pháp điều tiết dòng chảy và ổn định lòng dẫn đề xuất.
Sau 18 tháng thực hiện, rút ngắn thời gian so với ban đầu 12 tháng, trong bối cảnh khu vực nghiên cứu có nhiều bất động, đề tài đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, đúng thời hạn đối với tất cả những sản phẩm KH&CN đã đăng ký trong thuyết minh đề tài. Bên cạnh đó, đề tài đã đạt được những kết quả đáng chú ý như sau:
1) Kế thừa các nghiên cứu đã có về kết quả và số liệu thủy văn, địa hình, đặc biệt là các nghiên cứu của cơ quan chủ trì, đề tài đã tổng quan các nghiên cứu tình hình biến động tại khu vực Quảng Huế, xác định các tồn tại và nội dung nghiên cứu cần tập trung giải quyết.
2) Giải quyết vấn đề về ổn định lòng dẫn và phân bổ nguồn nước trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn qua sông Quảng Huế.
3) Đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại và truyền thống gồm 03 phương pháp chính là: Phân tích tổng hợp số liệu thực đo; Mô phỏng bằng mô hình toán; Nghiên cứu thí nghiệm bằng mô hình vật lý. Đã xây dựng các mô hình toán, vật lý làm công cụ cho nghiên cứu các biến động, chế độ thủy lực toàn khu vực…
4) Đã nghiên cứu, lượng hóa các tác động của thượng hạ du đối với khu vực Quảng Huế bao gồm: tác động nguồn, tác động hạ du và tác động trực tiếp của các công trình trong khu vực nghiên cứu đến hạ du.
5) Đã đề xuất giải pháp chủ động là công trình điều tiết lưu lượng về mùa kiệt trên sông Quảng Huế nhằm điều tiết lại sự phân lưu trên sông cũng như giảm thiểu các tác động bất lợi gây ra cho toàn lưu vực.
6) Đã tiến hành phân tích chuỗi số liệu thực đo tại trạm thủy văn Ái Nghĩa và Giao Thủy. Kết quả cho thấy sự biến động về lòng dẫn và ổn định công trình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: lưu tốc dòng chảy, lưu hướng, động lực dòng chảy.
7) Qua tính toán, mô phỏng, đề tài đã tổng hợp và xác định được tổ hợp bất lợi gây mất ổn định lòng dẫn và an toàn hệ thống công trình chính trị.
8) Đã đề xuất được 02 nhóm giải pháp điều tiết dòng chảy và ổn định lòng dẫn (tổng thể và cục bộ) trên sông Quảng Huế cũ thuộc lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, cụ thể là: Giải pháp ổn định hạn chế dòng chảy qua sông Quảng Huế và giải pháp chính trị nhằm ổn định lòng dẫn, bãi tràn phía đầu sông Quảng Huế.
9) Về giải pháp công trình hạn chế lưu lượng phân từ Vu Gia sang Thu Bồn qua sông Quảng Huế, đã xem xét 02 phương án là tự động và chủ động điều tiết.
10) Đã xem xét công trình chủ động điều tiết dòng chảy trên sông Quảng Huế trên quan điểm đa mục tiêu, đa ngành, tính toán các phương án kịch bản, tác động của công trình đến ổn định dòng chảy, lòng dẫn khu vực.
11) Đã bổ sung, hoàn thiện công trình chính trị theo phương án 1A: nâng cấp hệ thống công trình chính trị.
12) Đã thí nghiệm 07 kịch bản của phương án tiêu năng dòng đáy (vượt 04 kịch bản so với đề cương phê duyệt) và 09 kịch bản của phương án tiêu năng dòng mặt.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 11372/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.
Nguồn: http://www.most.gov.vn