Tham dự Hội thảo khoa học có GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo, GS.TS. Nguyễn Tùng Phong - Phó Giám đốc đốc Viện phụ trách công tác đào tạo TS; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện; PGS.TS. Đặng Hoàng Thanh - Trưởng Ban Tổ chức Hành chính; PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính và các thành viên là các thầy, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực xây dựng công trình thủy đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông Vận Tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận Tải; Cục Hàng hải Việt Nam, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Ban Tổ chức Hành chính cho biết NCS. Tô Vĩnh Cường là NCS khóa 2016 của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Qua quá trình đào tạo, NCS. Tô Vĩnh Cường đã thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo trình độ Tiến sỹ; NCS đã học đủ 04 học phần trong Chương trình đào tạo, đã bảo vệ 02 chuyên đề tiến sỹ và 01 tiểu luận tổng quan. NCS đã dự thảo luận án tiến sỹ của mình.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt cơ sở đào tạo, Thủ trưởng cơ sở đào tạo GS.TS. Nguyễn Vũ Việt - Giám đốc Viện đã gửi lời cảm ơn đến các thầy, chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực chuyên ngành của NCS. Tô Vĩnh Cường đã đến tham dự.
GS.TS. Nguyễn Vũ Việt cho rằng Hội thảo là buổi sinh hoạt học thuật và là buổi hội thảo quan trọng đối với NCS. Tô Vĩnh Cường và các thầy hướng dẫn từ đó có thể tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý của các thầy, chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh sửa, luận án của mình. GS.TS. Nguyễn Vũ Việt mong muốn các thầy, chuyên gia, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo sẽ đóng góp nhiều ý kiến cho bản Dự thảo luận án của NCS và đề nghị NCS. Tô Vĩnh Cường ghi chép cẩn thận các ý kiến góp ý của các thầy, chuyên gia, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo để có thể cùng với thầy giáo hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện luận án của mình trong thời gian ngắn nhất.
Báo cáo dự thảo luận án, NCS. Tô Vĩnh Cường cho biết: Hầu hết vị trí các cảng biển ở Việt Nam được xây dựng sâu vào trong nội địa như tuyến luồng tàu vào cảng Hải Phòng dài 81,6km, luồng tàu vào cảng Soài Rạp dài 54km, luồng tàu vào cảng Cần Thơ dài 103,1km… Để duy trì chiều sâu các tuyến luồng, hàng năm phải tiến hành nạo vét với kinh phí rất lớn, khoảng 1000 tỷ đồng.
Biện pháp giảm chi phí nạo vét duy tu luồng hàng năm là xây dựng các Dự án chỉnh trị công trình mỏ hàn nhằm mục tiêu chống sa bồi mang lại những kết quả nhất định. Nhưng từ thiết kế đến áp dụng vào thực tiễn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện tại chưa có tiêu chuẩn việt nam về thiết kế công trình chỉnh trị dạng mỏ hàn cho sông vùng triều. Vì thế, khi quy hoạch hay thiết kế công trình mỏ hàn hầu hết suy dẫn từ vùng không ảnh hưởng triều một cách gượng ép, thậm chí bỏ qua các yếu tố triều. Từ đó hiệu quả công trình bị hạn chế.
Hiện tại, các nghiên cứu chuyên sâu về công trình mỏ hàn trong sông vùng triểu trên thế giới là rất ít và ở Việt Nam lại càng hiếm. Chính vì vậy, NCS đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của bố trí không gian hệ thống mỏ hàn đến diễn biến lòng sông vùng triều”.
NCS. Tô Vĩnh Cường cho rằng luận án sẽ bổ sung về mặt lý thuyết chế độ thủy động lực dòng chảy thuận nghịch xung quanh công trình mỏ hàn; Luận án đề cập trực tiếp đến kết cấu dòng chảy (V, H) mà không xem xét lưu lượng tạo lòng vùng cửa sông.
Mục tiêu của luận án nhằm làm rõ chế độ thủy động lực dòng chảy thuận nghịch xung quanh công trình mỏ hàn; Đề xuất giải pháp bố trí không gian hệ thống mỏ hàn phù hợp cho sông vùng triều, mục tiêu giao thông thủy.
Sau quá trình triển khai một số nội dung như (1) Tổng quan tình hình nghiên cứu; (2) Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu; (3) Kết quả nghiên cứu; (4) Ứng dụng kiểm nghiệm vào đoạn sông thực tế, NCS đã có một số đóng góp mới có thể kể đến là đã bước đầu phát hiện và mô tả chi tiết kết cấu dòng chảy và chế độ thủy lực dòng chảy thuận nghịch khu vực công trình mỏ hàn; Đề xuất được giải pháp bố trí không gian hệ thống mỏ hàn hợp lý có tác dụng chống sa bồi luồng lạch trên đoạn sông thẳng vùng cửa sông; Đề xuất phương pháp xác định chiều sâu xói cân bằng trong điều kiện dòng triều hình sin là khoảng thời gian ¼ chu kỳ triều.