Chiều ngày 24/4/2023, Cơ sở đào tạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý cho luận án của NCS. Bùi Văn Hữu với tên Đề tài ““Nghiên cứu các đặc trưng sóng gián đoạn tại hạ lưu khi vỡ đập bê tông và các ảnh hưởng đến hạ du”.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện - Thủ trưởng cơ sở đào tạo; Lãnh đạo Ban Tổ chức Hành chính; các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực xây dựng công trình thủy và 02 thầy hướng dẫn khoa học của NCS.
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Cơ sở đào tạo Viện, GS.TS. Trần Đình Hòa - Thủ trưởng cơ sở đào tạo đã gửi lời cảm ơn các thầy, chuyên gia, nhà khoa học đã đến tham dự Hội thảo và cho biết dưới sự giúp đỡ của các thầy giáo hướng dẫn, luận án của NCS. Bùi Văn Hữu đã hoàn thành bản dự thảo. Hội thảo là buổi sinh hoạt học thuật và mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học có mặt tại Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến giúp NCS và thầy giáo hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện luận án của mình trước khi bảo vệ cấp cơ sở. GS.TS. Trần Đình Hòa đề nghị NCS. Bùi Văn Hữu trình bày đầy đủ, ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề chính và ghi chép đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học.
Báo cáo dự thảo luận án Tiến sỹ kỹ thuật, NCS. Bùi Văn Hữu cho biết mục tiêu của luận án đó là phân tích, mô tả được hình dạng sóng, sự lan truyền sóng gián đoạn và phạm vi ảnh hưởng của sóng gián đoạn tại thượng lưu vết vỡ (hồ chứa); Phân tích, mô tả được chế độ dòng chảy, hình dạng sóng, sự lan truyền sóng gián đoạn tại lòng dẫn hạ lưu; Xây dựng mối tương quan, xác định hệ số lưu lượng thoát qua vết vỡ mf với các kịch bản kích thước vết vỡ khác nhau; Xây dựng mối quan hệ giữa chiều cao sóng ban đầu với kích thước vết vỡ và mức nước thượng, hạ lưu khi vỡ đập.
Đối tượng nghiên cứu được NCS đề ra là dòng chảy khi vỡ đập bê tông và giới hạn nghiên cứu là không xét đến sự biến hình lòng dẫn, kênh hạ lưu đáy bằng.
Bố cục của Luận án gồm phần mở đầu, kết luận, kiến nghị, phụ lục và 04 chương bao gồm tổng quan nghiên cứu về hiện tượng vỡ đập; cơ sở khoa học xác định các đặc trưng của sóng gián đoạn khi vỡ đập bê tông; xác định các đặc trưng của sóng gián đoạn; ứng dụng.
Luận án có 03 đóng góp mới. Cụ thể như sau: (1) Đã phát hiện, mô tả được đặc tính sóng nghịch dương phía thượng lưu vết vỡ. Xác định phạm vi ảnh hưởng của sóng tại thượng lưu theo công thức (3.1); (2) Thiết lập được công thức xác định các đặc trưng sóng gián đoạn tại hạ lưu khi vỡ đập bê tông; (3) Đề xuất phương pháp mô phỏng vết vỡ đập bê tông bằng “Hệ thống thiết bị và phương pháp mô phỏng quá trình vỡ đập bê tông”.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, đóng góp ý kiến và nhất trí cho rằng Bản thảo luận án “Nghiên cứu các đặc trưng sóng gián đoạn tại hạ lưu khi vỡ đập bê tông và các ảnh hưởng đến hạ du” phù hợp với chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy và phù hợp với mã ngành 9 58 02 02; Nội dung vấn đề của Luận án không trùng lặp với những nghiên cứu đã công bố. Đề tài luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong hoàn cảnh và điều kiện Việt Nam đang đặt ra vấn đề bảo đảm an toàn hạ du các đập và hồ chứa; các phương pháp tác giả sử dụng có độ tin cậy và tính hiện đại. Kết quả nghiên cứu của luận án làm rõ cơ sở khoa học của các vấn đề thủy lực khi xảy ra vỡ đập bê tông; lượng hóa được ảnh hưởng của kích thước vết vỡ, chiều rộng lòng dẫn, mức hạ lưu tới khả năng thoát lũ qua vết vỡ và chiều cao ban đầu của sóng gián đoạn khi vỡ đập… NCS. Bùi Văn Hữu cần chỉnh sửa và bố cục lại các nội dung, phần mở đầu, tổng quan, kết luận, các lập luận cần súc tích, ngắn gọn và logic; chỉnh sửa lỗi chính tả, hình vẽ, từ viết tắt, các nội dung trùng lặp trong luận án...
Các chuyên gia và các nhà khoa học nhất trí cho NCS. Bùi Văn Hữu bảo vệ cấp cơ sở sau khi sửa chữa.
Theo vawr.org.vn