05 Tháng 10

Sáng 3/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức “Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai”

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá những kết quả, đóng góp của khoa học công nghệ thời gian qua, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới và kết quả nghiên cứu để ứng dụng trong sản xuất và đề xuất những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo động lực, thực hiện thành công Nghị quyết 19, Chiến lược phát triển ngành.

Tham dự Hội thảo có Ông Phùng Đức Tiến - Ủy viên Ban cán sự Đảng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Tổng cục chuyên ngành và Trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại diện JICA Việt Nam, Tổ chức GIZ; Các đồng chí lãnh đạo đại diện các Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố; Đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội, Liên hiệp hội và các cơ quan truyền thông báo chí.

Về phía các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; GS.TS. Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi; GS.TS. Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi; TS. Đỗ Văn Thành - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi…

Về phía Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam có GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện; TS. Nguyễn Tiếp Tân - Phó Giám đốc Viện, PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng - Phó Giám đốc Viện; lãnh đạo các Ban tham mưu, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện.

Ngoài ra còn có các chuyên gia, nhà khoa học nguyên lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu như GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, GS.TS. Trần Đình Hợi, GS.TS. Lê Mạnh Hùng, GS.TS. Nguyễn Vũ Việt, GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Xác định vai trò quan trọng của thủy lợi, phòng chống thiên tai, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển khoa học, nhân lực và nguồn lực đầu tư Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai ngày càng được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế-xã hội, môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Các hệ thống công trình thuỷ lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, tạo điều kiện phát triển đa dạng hoá cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.

Đóng góp vào thành công và hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phòng chống thiên tai có vài trò quan trọng và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN trong quy hoạch, xây dựng, quản lý khai thác công trình, phòng chống giảm nhẹ thiên tai,... góp phần to lớn vào tăng trưởng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã điểm qua một số kết quả nổi bật như các nhiệm vụ nghiên cứu được hình thành có định hướng thành các cụm nhóm để giải quyết toàn diện, đồng bộ những vấn đề lớn của thực tiễn, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và có tính khả thi trong ứng dụng như: vấn đề xâm nhập mặn, sạt lở ở ĐBSCL, vấn đề cấp nước sinh hoạt, lũ quét cho vùng núi, vấn đề hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và hạ du, môi trường vùng ĐBSH, v,v…

Nhiều sản phẩm KHCN được đăng ký sang chế, giải pháp hữu ích, tiến bộ kỹ thuật, sổ tay,… đáp ứng yêu cầu được chuyển giao vào thực tế như: Công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn triển khai ứng dụng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long phục vụ điều hành sản xuất hiệu quả; Công nghệ đập trụ đỡ, xà lan xây dựng các công trình kiểm soát nguồn nước tiếp tục được phát triển để ứng dụng cho các công trình có quy mô, khẩu độ lớn hơn như các công trình chống ngập cho TP.HCM, Cống Cái Lớn – Cái bé, các cống ngăn mặn, giữ ngọt ở ĐBSCL; Công nghệ đập bê tông đầm lăn áp dung cho đập Định Bình, Sơn La, Bản trác,…; Các giải pháp công nghệ tính toán kiểm đếm nguồn nước, công nghệ lưu giữ nước phục vụ chống hạn cho các vùng trọng điểm ở Tây Nguyên và Nam Trung Bô; Các giải pháp công nghệ phục vụ chỉnh trị, bảo vệ bờ sông, bờ biển tập trung cho vùng ĐBSCL, ven biển Trung Bộ…

Công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai đã ban hành hệ thống đến nay cơ bản đáp ứng đủ TCQC để quản lý và áp dụng trong các khâu đầu tư xây dựng, quản lý - vận hành - khai thác công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Nguồn nhân lực càng ngày được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, bước đầu đảm bảo năng lực chủ trì các nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp thiết thực tạo nên thành quả của lĩnh vực Thủy lợi, phòng chống thiên tai và ngành nông nghiệp trong những năm qua.

Trong bối cảnh mới, những thách thức về biến đổi khí hậu, khai thác thượng nguồn và phát triển kinh tế nội tại đang làm cho các vấn đề an ninh nguồn nước, thiên tai, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, khó lường hơn như ĐBSCL sẽ là vấn đề thiếu hụt phù sa, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún; Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là hạn hán, xâm nhập mặn; Miền Trung là xói lở bờ sông, bờ biển, hạn, mặn; Đồng bằng sông Hồng là vấn đề an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường nước trong các hệ thống thủy lợi; Miền núi phía Bắc là vấn đề lũ quét, sạt lở đất, v,v... đã tác động mạnh, sâu rộng đến đời sống của người dân, làm đình trệ việc sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học cần tập trung thảo luận xác định phương pháp tiếp cận và những nội dung cần thực hiện để giải quyết những vấn đề về nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong đánh giá, nhận dạng, dự báo, cảnh báo diễn biến nguồn nước, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn,  lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở bờ sông, bờ biển,… và đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp.

Nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong điều tiết nguồn nước, giám sát đảm bảo an toàn hồ đập, tăng tuổi thọ công trình, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý vận hành công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Nghiên cứu phát triển công nghệ, thiết bị và giải pháp thủy lợi tiên tiến phục vụ cây trồng chủ lực, nuôi trồng thuỷ sản chủ lực, chuyển đổi đất sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng nông thôn.

Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, vật liệu mới, thiết bị, xây dựng và quản lý an toàn hồ chứa, đập, đê sông, đê biển và công trình phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, phát triển nông thôn.

Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu KHCN 4.0 trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, trong đó tập trung vào đẩy mạnh việc nghiên cứu tích hợp các công cụ, hệ thống, thiết bị tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh, đồng bộ, sử dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao độ chính xác trong công tác đánh giá, dự báo, cảnh báo phục vụ công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn 2013 - 2023, định hướng nghiên cứu giai đoạn 2024 - 2030 lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai

Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS. Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết giai đoạn từ năm 2013-2023, lĩnh vực thủy lợi - phòng chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả trong việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng như công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn được triển khai ứng dụng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đã cung cấp số liệu dự báo chính xác, tham mưu cho Bộ trong điều hành sản xuất đạt hiệu quả cao, đặc biệt là đợt hạn 2015-2016, 2019-2020; Cung cấp các cơ sở khoa học về diện tích, thời gian kéo dài lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sự thiếu hụt phù sa trên đồng ruộng, diễn biến sạt lở, bồi lắng, v.v… hỗ trợ các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó chủ động; Các giải pháp khoa học công nghệ tạo nguồn nước cho vùng Tây nguyên; giải pháp công nghệ khai thác, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; Xây dựng hệ thống giám sát và điều hành lũ trên lưu vực sông Hương, sông Vu Gia – Thu Bồn hỗ trợ Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương ra quyết định ứng phó để đảm bảo an toàn công trình đầu mối và các vùng hạ du; Giải pháp mềm trồng cây chắn sóng bảo vệ cho các đoạn đê biển các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang; Công nghệ đê trụ rỗng giảm sóng kết hợp gây bồi tạo bãi đã được nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn thi công xây dựng ở Cà Mau; Xây dựng bộ bản đồ rủi ro ngập lũ theo các kịch bản và các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ; Xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, ngập lụt nước dâng do siêu bão cho một số tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, ĐBSCL, các sản phẩm này góp phần thiết thực và hiệu quả cho công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các tỉnh; Các công nghệ ngăn sông như đập trụ đỡ, đập xà lan, cống lắp ghép đã được nghiên cứu và ngày càng hoàn thiện, đã được ứng dụng xây dựng nhiều công trình ngăn sông lớn, nhỏ trên khắp cả nước như: Công trình chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh, các công trình ngăn mặn giữ ngọt ở ĐBSCL và vừa qua là ứng dụng cho công trình Cái Lớn - Cái Bé...

Báo cáo cũng đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu giai đoạn 2024 - 2030 có thể kể đến đó là Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công cụ tính toán, dự báo cảnh báo lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; Quản lý, sử dụng hiệu quả, thông minh tài nguyên nước đảm bảo an ; ninh nước Quốc gia; Dự báo diễn biến xói lở, bồi tụ bờ sông, cửa sông, bờ biển và hải đảo và đề xuất các giải pháp, công nghệ bảo vệ; Phát triển và ứng dụng các công nghệ đảm bảo an toàn công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, phòng chống úng ngập cho các thành phố lớn và các khu dân cư; Các giải pháp KHCN phục vụ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng nông thôn mới theo hướng hiện đại, thông minh, sinh thái và thân thiện môi trường; Nghiên cứu dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phòng ngừa; Nghiên cứu thể chế, chính sách và các công cụ kinh tế trong lĩnh vực thủy lợi, quản lý khai thác nguồn nước, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đê điều và phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn được nghe các báo cáo tham luận của các diễn giả trình bày về hiện trạng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thủy lợi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Khoa học công nghệ trong quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai; Ứng dụng tư vấn cây trồng NETAFIM; Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành - Giải pháp kỹ thuật vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ; Ứng dụng của Ống nhựa trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hội thảo cũng đã chia thành 03 tiểu ban: quản lý hệ thống công trình thủy lợi, xây dựng và bảo vệ công trình, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai và đã có 21 bài báo cáo tham luận được các diễn giả đến từ Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi trình bày.

Đại diện 03 Tiểu ban báo cáo kết quả Hội thảo của các Tiểu ban (Ảnh từ trên xuống dưới: TS. Nguyễn Tiếp Tân, GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng, GS.TS. Lê Mạnh Hùng) và khen thưởng các báo cáo tiêu biểu của các tiểu ban

Các gian hàng trưng bày các sản phẩm, thiết bị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Hội thảo

Theo vawr.org.vn