03 Tháng 10

Ngày 3/10 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Thảm hoạ thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó”. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ông Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý Sông ngòi và Phòng chống thiên tai (PCTT) Nhật Bản Ông Junichiro Kurokawa.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết những năm qua, thiệt hại do lũ ống, lũ quét ngày càng nghiêm trọng và rất đáng lo ngại. Những năm gần đây, một số thiên tai rất cực đoan như lũ quét ở Thanh Hóa năm 2013, lũ quét tại Lào Cai, Sa Pa, Yên Bái năm 2016, đặc biệt là vụ sạt lở đất tại Mù Căng Chải, Yên Bái năm 2017. Mặc  dù các ban ngành cùng người dân đã rất nỗ lực, việc giảm thiểu những thiệt hại này vẫn còn là những thách thức lớn. Việc nhận dạng, phát hiện quy luật của thiên tai, nâng cao năng lực cảnh báo sớm vẫn còn hạn chế. Việc áp dụng những công nghệ tiên tiến của các nước trong việc dự báo, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai vẫn còn khoảng cách.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (chiếm 1-1,5% GDP). 

Theo Ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và PCTT Nhật Bản, việc đầu tư cho PCTT là rất quan trọng. Việc tích lũy thông tin về mực nước sông ngòi, lượng mưa, các công trình đập, trên cơ sở đó vận dụng vào hoạt động cảnh báo sớm cũng cần được lưu ý. Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác là cần từng bước nâng cao ý thức người dân trong PCTT.

Theo Đại diện UBND tỉnh Yên Bái, công tác PCTT còn không ít hạn chế do công tác thông tin tuyên truyền cấp cơ sở còn nhiều yếu kém, đồng thời ý thức người dân còn lơ là chủ quan với tình hình thiên tai, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Đại diện UBND tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương nâng cao chất lượng cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất ở phạm vi hẹp hơn chứ như dự báo cả huyện, tỉnh theo bản tin thì rất khó cho cơ sở trong công tác cảnh báo thiên tai. Đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai bố trí kinh phí cho tỉnh Yên Bái thực hiện một số chương trình phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai bao gồm: Dự án quy hoạch phòng, chống lũ quét, hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tại một số huyện trọng điểm, cấp kinh phí triển khai thực hiện đề án về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đánh giá cao nội dung tham luận, những thông tin được trao đổi tại Hội thảo bởi nó thực sự hữu ích đối với công tác PCTT nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng trở nên phổ biến. Để khắc phục lâu dài những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương; cần phải có một cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT và Uỷ ban dân tộc miền núi, Ban chỉ đạo Tây Bắc trong PCTT, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu. Việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu thiên tai không thể thực hiện đơn lẻ, cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững, bao gồm những bước đi chính: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, trong đó cần ưu tiên thực hiện các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo; Xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các ví trị tiềm năng xảy ra nguy cơ; Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Đưa thông tin kịp thời tới vùng sâu, vùng xa (thôn bản); Có chính sách định canh, chuyển đổi phát triển kinh tế vùng miền núi nhằm giảm phá rừng; Có đề án di dời dân cư phòng tránh thiên tai; Đào tạo và tăng cường nhận thức cho chính quyền các cấp và lấy người dân làm trung tâm; Có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng bày tỏ mong muốn những ý kiến tham luận, đề xuất của Hội thảo sẽ sớm đi vào thực tế, phục vụ có hiệu quả cho công tác PCTT nói chung, lũ quét và sạt lở đất nói riêng.

Nguồn: mard.gov.vn