08 Tháng 04

Khoa học không phải là vì khoa học, mà khoa học là vì nhân sinh

Tại buổi thăm và làm việc với Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam chiều tối ngày 3/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã bày tỏ và ghi nhận những kết quả mà Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (gọi tắt là Viện - PV) đã đạt được trong thời gian qua và gửi lời chúc mừng tới cán bộ, nhân viên, các nhà khoa học của Viện nhân Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (19/8/1978 - 19/8/2023) tới đây.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng giới thiệu nhiều cuốn sách đến các cán bộ, nhà khoa học của Viện như: “Thông điệp của nước”, “Bí mật của nước”, “Tư duy tích cực”, “Thay tư duy đổi cuộc đời”, “Kỷ nguyên khô hạn”, “Cơn khát khủng khiếp”, “Tầm nhìn hạn hẹp, bắt chẹt tư duy”, đặc biệt Bộ trưởng nói nhiều về cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” của tác giả Brian Eyler người Anh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu về cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” với cán bộ, nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Qua câu chuyện trong cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ”, Bộ trưởng đề nghị các nhà khoa học thủy lợi hãy tiếp cận ở một không gian mở hơn với chuyên ngành thủy lợi. "Bởi dòng sông có tiếng nói của nó, có văn hóa của nó. Nếu chỉ thiên về khoa học thì chúng ta sẽ bỏ quên hoặc không thuyết phục được mọi người", Bộ trưởng nói và gợi mở thêm, cần phải đưa ra những tác động về một hệ sinh thái, hệ sinh kế của hàng triệu người ở ĐBSCL, những tác động đã khiến bao nhiêu con người rời đi theo 2 triền sông Tiền, sông Hậu nếu không giải quyết được các vấn đề về hệ thống thủy lợi, thay vì chỉ đưa ra những con số, những đồ thị.

"Khoa học bây giờ không phải là vì khoa học, mà khoa học bây giờ là vì nhân sinh. Nhìn được bối cảnh ấy thì chúng ta dễ thuyết phục hơn là chỉ về mặt luận cứ và kỹ thuật khoa học", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bản thân hệ thống thủy lợi là một công cụ, phương tiện để chúng ta mấu chốt lại giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn và đời sống người nông dân tốt hơn. Hệ thống thủy lợi không chỉ đem nước đến cho người dân mà còn là không gian sống của người dân.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng, nghiên cứu lưu vực sông trong đó có con người, có đô thị, dân cư, chứ không chỉ thiên về mặt kỹ thuật.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, nhà khoa học Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bộ trưởng đề nghị các nhà khoa học cần có cái nhìn phong phú hơn, rộng hơn, toàn diện hơn và khi đó mới thấy được ý tưởng khoa học giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là vấn đề dòng chảy, vấn đề sạt lở. Nghiên cứu khoa học bắt đầu từ ý tưởng, nó giải quyết một vấn đề gì đó bức xúc trong đời sống xã hội. Từ đó, Viện cần lên ý tưởng để phát triển hệ thống thủy lợi gắn với đa mục tiêu, đa giá trị, từ đó có thể "tiếp thị truyền thông" với Bộ, với các địa phương về những ý tưởng 

Theo Bộ trưởng, trước bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, AI, bigdata, IoT, Chat GPT đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác về nghiên cứu khoa học công nghệ. Vì vậy, các nhà khoa học cần nghiên cứu nhiều hơn, tích hợp đa giá trị hơn để tối ưu hóa giá trị sản phẩm nghiên cứu. Từ đó, chia sẻ kiến thức khoa học nghiên cứu nhiều hơn thay vì đi cục bộ theo hướng duy nhất một cách tiếp cận mà cần phải có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

“Đừng chỉ nhìn một lần rồi thôi, đừng chỉ nghe một lần rồi bỏ đấy, nghe lại nhiều lần, nhìn theo nhiều hướng chúng ta sẽ có những đáp án mới, tầm nhìn đa chiều dẫn dắt bạn tới tương lai vô hạn khả năng”, dẫn lại câu nói trong cuốn sách “Tầm nhìn hạn hẹp, bắt chẹt tư duy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, không gian nghiên cứu khoa học còn rất rộng, vì vậy cần phải thay đổi tầm nhìn, thậm chí phải tích hợp giữa khoa học kỹ thuật với khoa học xã hội thì bản nghiên cứu sẽ đầy ắp sự chia sẻ thông tin.

“Hồ chứa không phải là hồ chứa nữa mà là công trình đa chức năng, đa mục tiêu, đa giá trị, làm du lịch cộng đồng. Tại sao không làm du lịch trong hồ Cái Lớn - Cái Bé, quá đẹp đi. Tư duy kinh tế cũng phải đưa vào nghiên cứu khoa học để tạo nguồn thu, tạo sinh kế, việc làm cho bà con từ công trình của mình nhân ra giá trị rất nhiều.

Chúng ta chứng minh cho địa phương thấy rằng, công trình của Viện không chỉ để giải quyết vấn đề này mà còn tạo ra sinh kế, một nền kinh tế cho địa phương, để lãnh đạo Đảng và Nhà nước thấy rằng hiệu ứng, hiệu quả của công trình nghiên cứu khoa học thủy lợi nó đa mục tiêu, đa giá trị", Bộ trưởng gợi mở và đề nghị Viện nghiên cứu tại sao các tỉnh ĐBSCL như Cần Thơ, An Giang đề nghị xây dựng hồ chứa nước. 

PGS.TS Trần Bá Hoàng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam báo cáo Bộ trưởng và đoàn công tác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

4 kiến nghị của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam

PGS.TS Trần Bá Hoàng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, Viện phát triển trên 3 trục chính: nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Trong 5 năm qua Viện đã có những dự báo kịp thời cho các địa phương để giảm thiểu các thiệt hại như dự báo giám sát xâm nhập mặn vùng ĐBSCL; dự báo hạn các tỉnh Đông Nam bộ; dự báo nguồn nước; dự báo sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thời gian qua, Viện cũng đã tham gia các quy hoạch chống ngập cho TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực có hạn nên việc triển khai các công trình đang chậm. Bên cạnh đó, Viện cũng ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế, quản lý. Ngoài ra, Viện có Phòng thí nghiệm chủ động lực phía Nam tọa lạc tại Bình Dương rộng 3ha, thí nghiệm các mô hình quản lý của các công trình thủy lợi đặc biệt là các công trình lớn như Cái Lớn - Cái Bé.

Về công tác đào tạo sau đại học, từ năm 1998 đến nay Viện đã thực hiện 36 khóa đào tạo cho các nhà khoa học trong Viện, và các trường Đại học khác (ĐH Kiến trúc, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM). Ngoài đào tạo, Viện cũng đưa cán bộ đi đào tạo tại Hà Lan, Nhật, Anh, Đức.

Trong thời gian qua, Viện chú trọng trong các kết quả khoa học công nghệ và đã được ứng dụng trong thực tế chiếm trên 70% nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp Bộ. Và đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Viện đã công bố được 34 bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín...

Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đưa ra 4 kiến nghị: Tiếp tục được giao nhiệm vụ nghiên cứu các đề tài khoa học mang tính chiến lược của ngành, của quốc gia theo chức năng nhiệm vụ và địa bàn;

Cho phép nâng cao, tăng cường trang thiết bị tại Khu thí nghiệm ở Bình Dương để phục vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao; 

Tạo điều kiện hơn nữa trong hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực, đặc biệt là phát triển thành Trung tâm đào tạo hợp tác quốc tế lớn trong khu vực, để có cơ hội phát triển và học tập;

Tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu, số liệu của Bộ TN-MT để phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo chuyên ngành Thủy lợi.

Nguyễn Thủy - Báo Nông Nghiệp Việt Nam